GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
Khoản 7 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.”
Như vậy, tranh chấp lao động không chỉ là tranh chấp về sự lao động, về sự làm việc, tức là xung đột về hành vi liên quan đến hoạt động, chức năng của Người lao động. Tranh chấp lao động là loại tranh chấp về các vấn đề liên quan đến quá trình lao động, tức là quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt mối quan hệ lao động giữa các bên. Không chỉ vậy, tranh chấp lao động còn bao gồm các xung đột liên quan đến việc làm, học nghề, quạn hệ đại diện lao đông,…tức là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
Phân loại tranh chấp lao động
Căn cứ vào quy mô của tranh chấp
Tương ứng với hai loại quan hệ lao động: quan hệ lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động và quan hệ giữa tập thể người lao động với đại diện người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động mà có hai loại tranh chấp lao động là: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
Căn cứ vào tính chất của tranh chấp
Tùy vào tính chất của tranh chấp mà tranh chấp lao động có thể được chia thành 2 loại: tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích.
Tranh chấp về quyền là những tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong luật lao động, thỏa ước lao động tập thể hay hợp đồng lao động.
Tranh chấp về lợi ích là những tranh chấp về các quyền lợi chưa được pháp luật quy định hoặc để ngõ, chưa được các bên ghi nhận trong thỏa ước tập thể hoặc đã thỏa thuận trong thỏa ước nhưng không còn phù hợp do các yếu tố phát sinh vào thời điểm tranh chấp.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Điều 194 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động như sau:
– Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động;
– Bảo đảm thực hiện hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật;
– Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật;
– Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
– Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.